|
Nhà văn Dương Thu Hương: “Tôi đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng tôi
không có tham vọng làm tổng thống, làm lãnh tụ một đảng phái chính trị nào”.
LTS: Bắt nguồn từ những cuộc phỏng vấn thời còn
làm cho Ðài Á Châu Tự Do năm 1997 và do cảm phục thái độ can cường và tấm
lòng của Dương Thu Hương đối với con người và đất nước Việt Nam, Ðinh Quang
Anh Thái đã xem nhà văn nữ này như một người chị tinh thần. Trung tuần tháng
Hai vừa qua, do lời mời của nhà xuất bản Sabine Wespieser Editeur, bà Dương
Thu Hương đến Paris để ra mắt tác phẩm đã được in bằng Anh ngữ, cuốn “No
man’s land”, nay được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des Oublis”. Khi được tin
này, Ðinh Quang Anh Thái đã lập tức sang Paris thăm bà Dương Thu Hương và
được bà dành cho một loạt cuộc phỏng vấn liên quan đến nhiều vấn đề tại quê
nhà chúng ta. Bài sau đây là bài đầu tiên. Những bài kế tiếp sẽ được tiếp
tục đăng trên Việt Tide vào những tuần sắp tới, mời quý độc giả đón đọc.
Việt Tide: Thưa bà, đây là lần thứ mấy bà đến Pháp?
Dương Thu Hương: Ðây là lần thứ hai, sau hơn 10 năm bị cầm tù tại
chỗ.
Việt Tide: Lần đầu tiên là lúc nào ạ?
Dương Thu Hương: Lần đầu tiên là năm 1994, tôi rời Việt Nam khoảng
mùa Thu.
Việt Tide: Lần đó, bà đến nước Pháp với mục đích gì ạ?
Dương Thu Hương: Lần đó tôi đi theo lời mời của Hội Nhà Văn Pháp, và
để gặp các nhà xuất bản đã in sách của tôi.
Việt Tide: Nếu tôi nhớ không lầm thì trong chuyến đi năm 1994, chính
phủ Pháp có nhã ý mời bà ở lại Pháp với tư cách tỵ nạn chính trị, nhưng bà
từ chối. Bà có thể cho biết lý do tại sao?
 |
Nhà Văn
Dương Thu Hương và Ðinh Quang Anh
Thái tại một quán cà phê ở Paris |
Dương Thu Hương: Lúc đó chính phủ
Pháp mời tôi ở lại vì chính chính phủ Pháp đã cứu tôi ra khỏi nhà tù. Tất cả
mọi người đều biết là khi tôi bị giam trong tù, phu nhân Tổng thống Pháp, bà
Daniel Mitterand, đã yêu cầu chính phủ Việt Nam để cho bà gặp tôi, nhưng
chính phủ Việt Nam từ chối. Khi bà Daniel trở lại Pháp, bà đã dùng tổ chức
đấu tranh cho tự do do bà sáng lập để tìm mọi cách giải phóng tôi. Nước Pháp
lúc bấy giờ đã phải bỏ ra 95 triệu Franc và giúp Việt Nam vay tiền của Ngân
Hàng Thế Giới để cứu tôi rà khỏi nhà tù. Ðấy là một ân sủng mà tôi không thể
quên được. Tôi luôn luôn nhớ rằng cá nhân bà Daniel Mitterand và nhân dân
Pháp rất tử tế với tôi. Riêng đệ nhất phu nhân Mitterand, bà dặn dò tôi luôn
luôn phải cẩn thận đối với những người lãnh đạo Việt Nam; vì họ chỉ là những
tù trưởng; và trong chế độ của các tù trưởng thì họ không tôn trọng luật
pháp; và sinh mạng của tôi có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Cho nên khi tôi
tới Pháp năm 1994, chính phủ Pháp mời tôi ở lại với tư cách cư trú chính
trị. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả các bạn tôi đã chết một cách oan uổng trong
cuộc chiến tranh để rồi đất rơi vào tay một chế độ cường quyền ức hiếp người
dân khiến nhân dân sợ hãi. Ðồng bào chúng ta có thể dũng cảm trong chiến
tranh nhưng trong cuộc sống bình thường thì họ sợ hãi nhà cầm quyền và họ
cam chịu một chế độ độc tài. Trong chế độ độc tài đó, nỗi sợ hãi nghiền nát
con người thành những con kiến. Cho nên, tôi nghĩ rằng việc của tôi không
phải là ở lại Pháp, mà tôi phải trở về Việt Nam với một việc duy nhất, là ỉa
vào mặt bọn cầm quyền.
Việt Tide: Phải chăng do sự can thiệp của chính phủ Pháp nên nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam đã kiêng dè không dám có những hành động ám muội
nhắm vào tính mạng của bà, như họ đã từng làm với nhiều người dám chống lại
họ?
Dương Thu Hương: Họ chẳng kiêng dè gì cả. Hai lần họ đã cho công an
dùng xe ba bánh cán chết tôi. Nhưng vì Trời có mắt và nhờ hai người đàn em
của tôi nên tôi thoát chết. Nhưng thất bại hai lần không có nghĩa là họ
không dám ra tay lần thứ ba. Về phía tôi, khi chọn con đường làm giặc thì
tôi cũng phải thủ thân kỹ càng. Tôi biết kẻ thù của tôi là ai và tôi cũng
phải chuẩn bị những vũ khí bí mật của tôi để khi chúng nó giết tôi thì tôi
cũng phải giết lại vài thằng. Như ông biết, những cuốn băng thu Bùi Duy Tâm,
mãi mười năm sau tôi mới rút ra khỏi hầm đưa ra ánh sáng để chống lại những
lời vu cáo của họ rằng tôi là tôi tớ của ngoai bang. Tôi vẫn còn một cuốn
băng nữa là vũ khí dự phòng của tôi. Ngoài ra, tôi còn một vũ khí khác do
Trời ban, đó là tất cả mối quan hệ của tôi với những người nước ngoài sống
tại Hà Nội, trước hết là các sứ quán. Năm ngoái, khi tôi đi sang Ý để nhận
giải văn chương Grinzane Cavour, tòa đại sứ Ý tại Hà Nội đã phải huy động
toàn bộ nhân viên để lấy lại hộ chiếu cho tôi, vì hộ chiếu bị công an tịch
thu khi tôi ở Pháp về năm 1994. Ngoài ông Ðại sứ Ý, người tôi vô cùng cảm
phục vì tính kiên nhẫn là anh Anthonio. Chính anh ấy đã phải đối đầu với
công an Việt Nam trong mùa Hè nóng bức tại Hà Nội để lấy lại hộ chiếu của
tôi. Phải nói rằng, khó có một người xa lạ nào lại có thể tận tụy đến như
thế khi làm một việc không nguy hiểm nhưng đầy bực dọc, vì anh ấy phải hết
sức nhẫn nhịn trong những lần tiếp xúc với công an. Còn nhiều người khác nữa
đã hết sức giúp đỡ tôi.
Việt Tide: Trong những lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi cách đây
khoảng 3 năm, thái độ của bà rất cương quyết và ngôn ngữ của bà rất mạnh bạo
khi chỉ trích chế độ cộng sản. Thậm chí bà dùng nhiều chữ rất bõ bã. Nhiều
người thắc mắc là tại sao bà có thể lên tiếng như thế ngay tại Hà Nội mà
không bị guồng máy trấn áp của chế độ nghiền nát. Phải chăng bà được an toàn
là vì sự chú tâm của dư luận quốc tế, nhất là của chính phủ Pháp đối với bà?
Dương Thu Hương: Tôi nghĩ rằng chế độ cũng chẳng tử tế gì với tôi; và
tôi cũng chẳng tử tế gì với họ. Cả hai bên đều tìm mọi cách để tiêu diệt lẫn
nhau. Tôi cho đó là sự sòng phẳng, không có lôi thôi gì hết. Có lẽ mỗi con
người có một số mạng riêng. Khi tôi bị bắtø, không bao giờ tôi nghĩ sẽ có
ngày ra khỏi tù. Bởi vì lúc ấy tôi đâu có biết bà Mitterand và tôi cũng
không biết lực lượng quốc tế lại có thể huy động nhiều đến như vậy để can
thiệp cho tôi. Ngay khi tôi đi Pháp lần đầu tiên năm 1994 và trở về Việt
Nam, chế độ đã muốn chẹn đường về của tôi. Nhưng lúc đó một người bạn của
tôi là ông Henry Kent, một nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer và có rất
nhiều bạn bè, và nhiều nhà văn Pháp đã tổ chức một chiến dịch để đưa tôi về
nước. Trước khi phi cơ về tới Nội Bài, Giám đốc văn phòng của hãng thông tấn
Pháp AFP, ông Philipe André, đã chờ hai tiếng đồng hồ tại sân bay. Ông ấy
kiên nhẫn chờ công an lục soát tất cả các túi hành lý của tôi và cho tới khi
thấy tôi lên xe về nhà thì ông ấy mới rời phi trường về lại văn phòng làm
việc của mình. Tôi nghĩ rằng đó là duyên Trời, là cơ may nên tôi có nhiều
người bạn quốc tế có tấm lòng tốt như thế. Sống trong lòng Hà Nội, tôi không
dám rời Hà Nội vì tôi biết chế độ có thể thủ tiêu tôi bất cứ lúc nào ở các
xó xỉnh ngoại ô. Còn ở ngay tại Hà Nội, tôi có quan hệ với hầu hết các đại
sứ làm việc ở đấy. Chuyến đi Pháp lần này, đại sứ Mỹ đã cử một nhân viên đến
gặp tôi để tỏ mối quan tâm về an ninh của tôi. Tôi nghĩ rằng tất cả các quan
hệ đó là một lá chắn để bảo vệ tôi. Chính phủ Việt Nam hiện nay không thể
nói phét mãi. Họ đói, họ cần tiền, họ bấu vào các dịch vụ đầu tư của nước
ngoài. Do đó họ phải giả vờ tử tế với tôi, chứ thực tế, tôi với họ là kẻ
thù. Bản thân tôi thì tôi không bao giờ hy vọng vào lòng tốt của những loại
người như vậy.
Việt Tide: Chuyến sang Pháp lần này, mục tiêu của bà là gì ạ?
Dương Thu Hương: Chuyến đi lần này đơn giản vì cuốn sách của tôi là
cuốn Terre Des Oublis, tựa tiếng Anh là No Man’s Land, do nhà Sabine
Wespieser Editeur xuất bản. Nhà xuất bản mời tôi sang để làm việc với báo
chí, vì vậy tôi chỉ sang vì cuốn sách của tôi thôi. Cho nên tôi từ chối tất
cả các cuộc phỏng vấn của các đài báo của người Việt như đài BBC, đài RFI.
Thế nhưng khi nhận trả lời phỏng vấn của ông Thái, có lẽ vì ông và tôi có
mối quan hệ tương đối lâu dài và quan hệ đó không có gì tồi tệ, nên tôi mới
đồng ý trả lời ông.
Việt Tide: Cám ơn bà đã cho tôi vinh dự phỏng vấn bà. Trở lại câu bà
nói rằng bà chọn con đường làm giặc, bà định nghĩa “làm giặc” là gì?
Dương Thu Hương: Làm giặc nghĩa là chống lại kẻ cường quyền. Ngày
xưa, tội làm giặc là bị tru di tam tộc. Ngày nay, chúng nó cũng muốn giết ba
đời nhà tôi. Nhưng thời thế đã đổi thay nên họ không làm được. Tôi làm giặc,
có nghĩa là tôi đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng tôi không có tham vọng
làm tổng thống, không có tham vọng làm lãnh tụ một đảng phái chính trị nào,
cho nên tôi không phải làm vừa lòng bất kỳ người nào để kiếm phiếu, để tranh
thủ sự hậu thuẫn. Cho nên tôi nói bất kỳ ngôn ngữ nào tôi thích, tôi cho là
chính xác. Cùng với cái lưỡi gỗ cũa giới lãnh đạo chế độ, thì cũng có một
thứ ngôn ngữ khác rất là ngoại giao, rất là lịch sự, nhưng tôi không thích
(những thứ ngôn ngữ đó). Thí dụ năm ngoái, một nhà báo Mỹ phỏng vấn tôi và
hỏi tôi nghĩ như thế nào về quan hệ của tôi với chế độ, tôi nói thẳng rằng,
chế độ Hà Nội là bọn ngửi rắm bọn Bắc triều (Trung Quốc). Ông nhà báo Mỹ này
chắc là rất sững sờ vì không ngờ một nhà văn lại ăn nói thô tục như vậy.
Nhưng mà ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ của người dân Việt Nam, của những người
nông dân Việt Nam, và tôi cho rằng đó là ngôn ngữ vô cùng chính xác. Tôi đố
ông Thái có thể tìm được một câu nào diễn đạt đúng thực chất sự việc mà ngắn
gọn hơn câu như vậy. Bọn cầm quyền Hà Nội là bọn thích ngửi rắm bọn Bắc
triều. Tôi đố ông Thái và đố quý vị tìm được câu nào ngắn hơn. Ðối với tôi,
người Việt Nam chỉ có một gia tài là ngôn ngữ, cho nên tôi phải làm sống
động lại ngôn ngữ của người dân Việt Nam với 90 phần trăm là nông dân. Nên
tôi từ chối tất cả mọi thứ ngôn ngữ lưỡi gỗ của cộng sản hay mọi thứ lưỡi gỗ
ngoại giao, lưỡi gỗ lịch sự nào khác. Tôi tìm cách ngắn nhất để diễn đạt
đúng bản chất của sự việc. Tôi nhắc lại, tôi là người tự do, tôi không mưu
cầu gì, cho nên tôi không có nhu cầu lấy lòng ai.
Việt Tide: Khi chọn con đường làm giặc, bà có tiên liệu mọi hậu quả
xẩy đến cho bản thân bà và gia đình bà?
Dương Thu Hương: Tại sao lại không? Tôi sống trong lòng một lũ cầm
quyền như thế mà sao tôi lại không hiểu họ. Ông nên nhớ là đối với con
người, có ba điều quan trọng nhất mà người ta có thể bị tấn công. Ðiều thứ
nhất là tiền tài. Ðiều thứ hai là danh vọng. Và điều thứ ba là bản thể. Về
tiền tài thì khi tôi làm cuốn phim “Thánh Ðường Của Những Người Tuyệt Vọng”,
thì đã có một cặp giả làm Việt kiều mang đến nhà mẹ tôi một túi du lịch đầy
những bó đô la và nói rằng, “chúng tôi là Việt kiều ở California, nghe chị
làm làm cuốn phim thì chúng tôi muốn đóng góp”. Tôi trả lời rằng, làm phim ở
Việt Nam là một việc điên rồ, và tôi chỉ có thể điên rồ với tiền của chính
bản thân tôi chứ tôi không thể điên rồ bằng tiền của người khác. Sau đó tôi
mời hai người đó ra khỏi cửa. Tôi chắc chắn đó là cãi bẫy của công an gài.
Cái bẫy thứ hai là quyền lực thì đối với tôi, quyền lực nó vô nghĩa, vì tôi
đâu có thích làm quan, làm vua trong chế độ bẩn thỉu như thế. Tôi là người ở
sạch, tôi không ngồi vào những cái ghế bẩn thỉu. Và nếu tôi ngồi vào những
ghế bẩn thỉu đó thì năm 1986, tại Ðại hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Văn
Linh (lúc đó là Tổng bí thư đảng cộng sản) ôm hôn tôi thắm thiết và đề nghị
biếu nhà biếu cửa cho tôi thì tôi đã nhận lời rồi. Nhưng đối với tôi, mọi
việc tôi coi là phù du. Ðiều thứ ba quan trọng nhất là bản thể của con người
thì con người phải có âm có dương thì mới mạnh khỏe được. Nghĩa là đàn ông
phải lấy vợ và đàn bà phải có chồng. Mà tôi thì sau khi ly dị, tôi sống một
mình. Cho nên tôi phải tự thiến tôi bằng cách đơn giản nhất là uống thuốc
diệt dục. Loại thuốc này Ðông y có từ rất lâu rồi. Tóm lại, đấy là ba biện
pháp để tôi đề phòng tối đa những âm mưu mà người ta có thể gài bẫy tôi.
Việt Tide: Xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều người không còn nghĩ đến
lý tưởng nữa mà chỉ biết chạy theo vật chất. Bản thân bà, khi chọn lối sống
như thế, bà có cảm thấy cô đơn không?
Dương Thu Hương: Tất nhiên tôi cảm thấy cô đơn, nhưng tôi đã quen với
sự cô đơn và tôi không có nhu cầu giao du, vì tôi thích suy nghĩ một mình.
(Mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn thứ nhì nhà văn Dương Thu Hương đăng
trên Việt Tide số 242 phát hành vào tuần tới).
|